VĂN HÓA-XÃ HỘI
Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh Đình- Miếu Ô Mễ, thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
29/02/2024 10:05:10

Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh Đình- Miếu Ô Mễ, thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Cụm di tích Đình - Miếu Ô Mễ là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh thuộc thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo. Đình- Miếu Ô Mễ còn được nhân dân trong vùng gọi là Đình- Miếu Mũ, đây là cách gọi nôm của di tích này.Cụm di tích Đình- Miếu Ô Mễ gồm 02 di tích: Đình Ô Mễ có vị trí nằm ở giữa thôn Ô Mễ, mặt tiền quay về hướng Đông Nam, phía Tây là đường liên thôn, phía Bắc giáp khu dân cư; Miếu Ô Mễ nằm ngay tại cánh đồng, cách Đình khoảng 1km về hướng Bắc, độc lập với khu dân cư, mặt tiền quay về hướng Bắc, phía Tây, phía Đông và phía Nam giáp cánh đồng. Đình và Miếu được tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng mát.

Đình- Miếu Ô Mễ thờ Thành hoàng là Nguyễn Công Quang, hiệu Từ Quang Đại Vương, người có công đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Thế truyền về xuất thân của Thành hoàng Nguyễn Công Quang như sau: Bố của ông là người ở trang An Vĩnh, huyện Bình Dương là con trưởng của một gia đình danh giá họ Nguyễn, tên húy là Thực, lấy vợ là Thực. Hai ông bà là người nhân đức, vợ chẳng may mất sớm, ông đi phiêu bạt khắp nơi. Một hôm, ông đến trang Ô Mễ, huyện Tứ Kỳ, ông được một bà cụ nhân từ, thương ông như con. Bà cụ có cô con gái nết na, yểu điệu tên là Mai Nương, ông đem lòng yêu mến và lấy bà làm vợ. Hai ông bà lấy nhau đã lâu mà chưa có con, liền tu nhân tích thiện tìm đến chùa thiêng để cầu tự. Rồi bà mộng thấy Hoàng thiên giáng phúc, từ đó bà mang thai. Đến ngày sinh hạ, tự nhiên hương thơm tỏa đầy nhà, bà sinh được một cậu bé kỳ dị khác hẳn người thường, đúng là Hoàng thiên giáng phúc, quỷ thần âm phù. Ông bà đặt tên cho con là Quang. Khi Quang công 13 tuổi, võ nghệ tinh thông, văn chương quán triệt. Lúc này, giặc Lương đến xâm chiếm, vua cho vời người tài giỏi cầm quân đánh giặc. Quang Công cũng dẫn quân xung trận và dẹp tan quân giặc. Công được vua mở tiệc chúc mừng, ban thưởng chức tức. Ngày 23 tháng 9, Công về đến quê hương tại trang Ô Mễ, được nhân dân ra đón rất đông. Công mở yến tiệc mời phụ lão, nhân dân trong thôn cùng hưởng. Công đến bái yết tiên đường, hôm đó là ngày 16 tháng 10, Công đến bên đầu dân ấp thì thầy trên trời có một đám mây đen, trời đất như tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội giáng ngay xuống nơi Công đứng. Công tự nhiên nằm xuống và mất ngay tại đó. Nơi ấy sau tục gọi là xứ Mả Lăng. Một lát sau trời quang mây tạnh, mưa gió đều ngớt, nhân dân ra xem chỉ thấy Công nằm đó, quần áo chỉnh tề, mặt đỏ như mặt trời. Nhân dân bèn tâu Vua. Vua vô cùng thương xót bậc bề tôi có công lao to lớn với đất nước. Vua cho dựng một miếu thờ ngay nơi Công hóa và cho phép nhân dân phụng thờ hương hỏa. Theo lệ khen thưởng và phong cho mỹ tự "Vạn đại phúc thần", thừa nhận trang Ô Mễ làm nơi chính nuôi dưỡng khi Công còn sống và nơi hóa, cho phép nhân dân trong trang phụng thờ hương hỏa mãi mãi. Truyền rằng, về sau đến đời Trần, Lê trải qua các bậc Đế vương, cầu đảo đều được linh thiêng ứng hợp, nên đều được ngợi khen và được phong thêm mỹ tự, hương hỏa phụng thời "Thượng đẳng phúc thần" , muôn đời không thể nào quên.

 

Đình Ô Mễ được khởi dựng từ khá sớm, trùng tu vào thời Nguyễn. Công trình có quy mô lớn, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 7 gian đại bái đao tàu déo góc và 3 gian hậu cung xây bít đốc. Chất liệu bằng gỗ lim chắc khỏe. Tại tòa đại bái có các bức chạm nghệ thuật theo đề tài tứ linh, tứ quý, chân cột kê bằng đá tảng. Phía trước có hai dãy giải vũ, mỗi dãy 5 gian. Bên trong nhà giải vũ có bệ thờ để thờ cúng các hậu thần có công xây dựng các công trình phúc lợi cho làng. Năm 1946, Đình là nơi bầu cử Hội đồng nhân dân xã và Quốc hội khóa đầu tiên và cũng là nơi tuyển quân, tiễn đưa bộ đội lên đường đánh giặc. Năm 1949, Đình là nơi tổ chức mít tinh hô hào nhân dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1951, toàn bộ ngôi đình bị bom mìn của thực dân Pháp phá hủy khi càn quét vào làng. Đến năm 1975, nhân dân địa phương xây dựng 5 gian nhà kiểu chữ Nhất (-) để làm nơi thờ tự. Năm 2007, chính quyền và nhân dân cùng các nhà hảo tâm là con em quê hương đã khôi phục lại ngôi đình trên nền cũ, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung, chất liệu chủ yếu bằng bê tông, cốt thép, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngượng của nhân dân địa phương.

 

Miếu Ô Mễ được khởi dựng khá sớm, trùng tu vào thời Nguyễn. Miếu tọa lạc trên gò đất cao, miếu có hướng Canh - Thân (Tây- Nam), nhìn hướng Quý - Đinh (Bắc- Nam) chính cục. Sau có mắt kim tinh, trước án có nước dẫn đến nhà thờ, kim tinh một dải, hổ long dẫn mạch, hổ ứng phù giúp, chính là nơi đầu rồng, là chỗ đất linh thiêng. Miếu có kiến trúc chữ Nhất (-) gồm 3 gian, vì kèo, hoành, rui bằng gỗ lim, lợp ngói mũi. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Miếu là nơi hội họp cán bộ đưa tin bàn kế đánh giặc của chiến dịch Xuân Ô, mở màn cho chiến dịch Tây Bắc. Năm 1982, Miếu bị phá hủy để lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi, chỉ còn nền móng và tấm bia thần tích. Năm 1995, di tích được khôi phục trên nền móng cũ.

Hằng năm, tại Đình- Miếu Ô Mễ có các kỳ lễ hội:

* Kỳ ngày 9 tháng Giêng âm lịch: Diễn ra trong bốn ngày, từ ngày mùng 8 đến ngày 11, trong đó ngày mùng 9 là trọng hội, gọi là lễ mừng Xuân. Tại kỳ lễ này có tổ chức tế và rước long đình ra Miếu, sau đó làm lễ rước bát hương thờ Thành hoàng Nguyễn Công Quang ở miếu, đặt lên long đình, rước về đình để tế.

- Ngày 12 tháng 2 âm lịch: Lễ kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Nguyễn Công Quang.

- Ngày 10 tháng 5 âm lịch: Lễ hạ điền (lễ xuống đồng).

- Ngày 10 tháng 8 âm lịch: Lễ khánh hạ.

- Ngày 16 tháng 10: Lễ kỷ niệm ngày mất của Thành hoàng Nguyễn Công Quang.

* Kỳ ngày 9 tháng 11 âm lịch: Diễn ra trong 5 ngày, từ ngày mùng 8 đến ngày 13, trong đó ngày mùng 9 là trọng hội. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, gọi là lễ kỳ phước.

Về thăm cụm di tích Đình- Miếu Ô Mễ, du khách có thể xuất phát từ trung tâm thành phố Hải Dương theo đường 391 đi huyện Tứ Kỳ khoảng 12km, rẽ phải vào xã Hưng Đạo về thôn Ô Mễ, theo đường liên xã qua UBND xã Hưng Đạo khoảng 500m là tời di tích. Địa điểm cụm di tích tại địa chỉ sau .

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HƯNG ĐẠO - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập:Nguyễn Xuân Liễu

Địa chỉ: UBND xã Hưng Đạo

Điện thoại: 02203748121

Email: ......

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 1
Tháng này: 5,034
Tất cả: 31,923